email marketing là gì

Email marketing là gì? Cách làm email marketing hiệu quả và 3 nguyên tắc cần nắm

Theo thống kê, email marketing vẫn đang là kênh mang lại hiệu quả Marketing so với chi phí bỏ ra. Nếu như bạn biết cách vận dụng email, đối với một số ngành nhất định như là “bán khóa học Online” hay “cung cấp dịch vụ” thì bạn có khả năng cao tiếp cận được khách hàng tiềm năng với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với các kênh khác như là Facebook, Google.

  • Nếu như bạn chưa biết bắt đầu từ đâu với kênh tiếp thị email – Hay có vô vàn thắc mắc
  • Quảng cáo thông qua Email có phù hợp với doanh nghiệp của mình hay không?
  • Và làm sao tạo chiến dịch và làm Email Marketing một cách hiệu quả?

Trong bài viết này, A1 sẽ nói cho bạn tổng hợp cho bạn biết “tất tần tật” về công cụ này, cũng như cách làm sao để lên chiến dịch email marketing hiệu quả.

Email marketing là gì?

Email marketing là hình thức gửi các thông điệp bán hàng/thông tin/giới thiệu sản phẩm hoặc dịch vụ qua email đến người dùng, khách hàng hay những người đăng ký email của bạn.

A1Digihub

Theo Wikipedia, Email marketing/Tiếp thị qua email là hành động gửi thông điệp thương mại, thường là cho một nhóm người sử dụng email. Theo nghĩa rộng nhất của nó, mọi email được gửi đến một khách hàng tiềm năng hoặc hiện tại có thể được coi là tiếp thị qua email.

Tiếp thị qua Email liên quan đến việc sử dụng email để gửi thông điệp mang mục đích quảng cáo, thu hút bán hàng hoặc xây dựng lòng trung thành, niềm tin, nhận thức về thương hiệu. Email tiếp thị có thể gửi đến danh sách khách hàng tiềm năng đã mua hoặc cơ sở dữ liệu khách hàng hiện tại.

email marketing là gì

Email marketing ngày nay đã chuyển từ việc gửi một email cho tất cả mọi người sang tập trung vào việc phân khúc và cá nhân hóa các email cho từng tệp người nhận riêng.

Tính cần thiết và tầm quan trọng của kênh Email marketing?

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội, email vẫn được xem là cách hiệu quả nhất để nuôi dưỡng các khách hàng tiềm năng và tăng sự trung thành của khách hàng.

3 lý do bạn nên sử dụng E-marketing

#1 Giúp bạn bán hàng 

Bạn có bao giờ nhận được các email như vậy chưa?

email marketing

Đó chính là một dạng email mà các doanh nghiệp thường sử dụng để giúp thúc đẩy bán hàng. Và mỗi khi bạn lên một đợt khuyến mãi hay ra sản phẩm mới, bạn có thể lên một chiến dịch email gửi đến các tệp khách hàng tiềm năng để tăng doanh số hiệu quả.

Một số kỹ thuật email marketing khác cũng giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi là:

  • Gửi email về các chương trình ưu đãi hoặc khuyến mãi giảm giá (email mừng sinh nhật/kỷ niệm, email chào mừng, email tái tương tác)
  • Email nhắc khách hàng quay lại. Đây là dạng email dành cho những website bán hàng. Khi khách hàng đã cho sản phẩm vào giỏ hàng online nhưng chưa thanh toán, bạn có thể gửi email để kích thích họ quay lại giao dịch

#2 Tăng độ nhận diện thương hiệu

Một ưu điểm khá hay ho của email chính là nó giúp bạn tiếp cận người dùng một cách trực tiếp. Khác với các hình thức quảng cáo khác, các email mà bạn gửi đến khách hàng sẽ nằm mãi trong hộp thư đến cho tới khi bạn đọc nó, xóa nó hoặc lưu trữ nó. 

Người Việt Nam thì lại có bản tính hiếu kỳ, nên với một tiêu đề email hấp dẫn, bạn có thể khiến họ mở mail ra và đọc trước khi xóa nó đi. 

Và một chiến dịch email marketing được cá nhân hóa sẽ có tầm ảnh hưởng hơn nhiều so với các bài đăng trên mạng xã hội, nơi mà nhiều khi người dùng chỉ lướt qua chứ không thực sự đọc được các thông điệp của bạn.

Ví dụ với Email này, mình đã bị hớp hồn ngay ánh mắt đầu tiên vì những câu chữ cực giá trị như “mời” , “Full-Stack”.

Một trong những ưu điểm quan trọng khác của e-marketing là quy mô lớn. Bạn có thể gửi các email của mình đi với số lượng người nhận lớn với chi phí rẻ hơn rất nhiều so với những kênh marketing khác.

#3 Nâng cao lòng trung thành của khách hàng

Email giúp thúc đẩy sự trung thành của khách hàng, ở mỗi giai đoạn trong hành trình của người mua hàng, từ nuôi dưỡng các lead, chuyển đổi, mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ, và quay trở lại mua hàng.

Đây là một công cụ mạnh mẽ giúp cho bạn xây dựng một cộng đồng cho riêng doanh nghiệp của bạn.

Ở viễn cảnh tuyệt vời nhất là bạn có thể gửi các email bản tin có nội dung, hình ảnh hoặc thiết kế thật “đỉnh cao”, đến mức mà người dùng phải ngóng trông các email của bạn tới.

Tại sao doanh nghiệp cần quảng cáo qua Email?

lợi ích email marketing

#1 Khả năng tiếp cận

Email có thể tiếp cận đến tất cả các nhóm độ tuổi, ngành nghề, quốc gia khác nhau. Công cụ này giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận đến một tệp lớn người dùng – kể cả những người ít quan tâm đến công nghệ nhất.

Khi khách hàng để lại cho bạn email và trở thành lead của bạn, thì bạn hoàn toàn có khả năng tiếp cận những người này và gửi các thông điệp giúp biến họ thành khách hàng.

#2 Chi phí hợp lý

Email marketing là công cụ có chi phí vô cùng rẻ nếu tính về độ hữu ích. Phần lớn các công cụ email marketing thường đưa ra các gói ưu đãi về giá để phù hợp với nhiều ngân sách khác nhau. 

Đặc biệt nhiều công cụ còn có các gói ưu đãi miễn phí nhưng vẫn cung cấp đầy đủ các tính năng cho người dùng. Đây là những ưu đãi vô cùng hấp dẫn đối với những marketer muốn sử dụng các phần mềm email marketing trước khi trả tiền.

#3 Bạn là người sở hữu các danh sách email 

Bạn hãy tưởng tượng như thế này: Nếu một ngày trang Facebook của bạn bị sập, thì nó sẽ mang theo tất cả các like và follow của bạn đi theo. Thế là bao nhiêu công sức gây dựng trang đều tan theo mây khói. 

Nhưng còn đối với email marketing, bạn chính là người làm chủ công cụ này. 

Cho dù có vấn đề gì xảy ra thì bạn vẫn còn danh sách đầy đủ những người có quan tâm đến thương hiệu của bạn.

Hoặc là nếu công cụ bạn đang sử dụng có xảy ra vấn đề gì, bạn hoàn toàn có khả năng mang các danh sách email chuyển sang một công cụ khác

Những quy tắc khi làm email marketing

Để có thể thực hiện các hoạt động marketing một cách tốt nhất và mang lại hiệu quả, có một số quy tắc mà bạn cần phải nắm rõ. Tất cả các nguyên tắc này đều nói đến việc phải đưa khách hàng lên làm yếu tố hàng đầu.

#1 Không mua các danh sách email có sẵn

Nhiều công ty email marketing có một chính sách nghiêm khắc về việc có được sự chấp thuận của khách hàng trước khi gửi email.

Điều đó có nghĩa là bạn sẽ không thể gửi email đến những danh sách này qua các công cụ gửi mail thông thường. Những email này có thể đi thẳng đến mục thư spam và không được người dùng để mắt đế

Thay vào đó, bạn nên khuyến khích khách hàng tự nguyện để lại email cho bạn, thông qua các chương trình ưu đãi, freeship, v.v khi để lại thông tin.

#2 Tuân thủ luật pháp

Những doanh nghiệp sử dụng email marketing đều phải theo các dự luật chống spam và quyền riêng tư của người dùng, tùy theo quốc gia mà bạn đang sống. Đa số các điều luật trong đó bao gồm những điều như là: có tiêu đề rõ ràng, không gây nhầm lẫn; có hướng dẫn để người dùng có thể hủy đăng ký; có tên và địa chỉ của doanh nghiệp ở cuối mỗi email.

#3 Thay đổi luân phiên các thông điệp của bạn

Đừng chỉ gửi các quảng cáo đến các khách hàng của bạn. Hãy sử dụng email để xây dựng mối quan hệ với khách hàng, bằng việc chia sẻ các thông tin hữu ích, mang lại giá trị cho các khách hàng của bạn. 

Hoặc là gửi những thông tin giúp họ biết về bạn và doanh nghiệp của bạn.

#4 Tôn trọng những người đăng ký email của bạn

Hãy tôn trọng các danh sách email mà bạn đang nắm giữ. Hãy nhớ rằng những người bạn đang truyền thông đến là những người tin tưởng giao cho bạn những thông tin của bạn. Bạn cần phải tôn trọng họ.

Nếu bạn muốn có cơ hội để chuyển đổi những người đăng ký trở thành khách hàng, từ khách hàng trở thành khách hàng trung thành, thì bạn cần phải khiến họ cảm thấy đặc biệt, thông qua việc đầu tư vào những chiến dịch email của bạn.

#5 Theo sát lịch trình gửi mail

Bạn cần phải theo sát lịch trình mà bạn đề ra nếu như bạn đang sử dụng các chiến dịch email marketing theo dạng bản tin. Gửi các email vào cùng một ngày hoặc (nhiều ngày) mỗi tuần sẽ giúp những người đăng ký biết được lịch trình và xây dựng thói quen check mail của bạn.

#6 Tối ưu cho việc xem email trên điện thoại 

Các nghiên cứu phân tích về marketing đã cho thấy rằng gần 50% email được mở từ các thiết bị di động. Có nghĩa là, nếu các email của bạn không hiển thị tốt trên các nền tảng di động, bạn sẽ mất đi một nửa số email được đọc và gây mất thiện cảm cho người dùng.

Hướng dẫn làm email marketing hiệu quả

Bước 1: Xây dựng danh sách email

Trước khi lên các chiến dịch email thì bạn cần phải xây dựng một danh sách email trước tiên. Có nhiều cách để bạn có thể thu thập email, nhưng dưới đây là 2 công đoạn chủ yếu để giúp bạn thu thập các email từ những lead tiềm năng.

Đặt form trên website hoặc landing page

form đăng ký email

Việc đặt form trên website có thể được thực hiện rất dễ dàng và không tốn quá nhiều thời gian. Nhiều công cụ gửi email cũng cho phép bạn tạo form trên website và thu thập tự động tất cả các thông tin này và tự thêm vào tệp người nhận.

Bạn có thể đặt form ở bất kỳ điểm chạm nào của người dùng trên trang web hoặc những nơi thu hút người dùng:

  • Giữa trang web: gần những nội dung mang lại giá trị cho người dùng, và họ sẽ để lại thông tin nếu độc giả muốn theo dõi những bài viết tiếp theo.
  • Cuối mỗi trang như các trang thương mại điện tử
  • Đặt form ở cột bên phải: Đây là hình thức đặt form phổ biến và thường được các doanh nghiệp sử dụng nhất.
  • Pop-up form: những loại form này nên được thiết kế và được đặt thời gian phù hợp để mang lại hiệu quả cao và không gây khó chịu cho người dùng

Các tip để xây dựng các form mang lại hiệu quả:

  • Chọn tiêu đề thật thu hút về các lợi ích mà người dùng có thể nhận được nếu đăng ký (nhận được tài liệu miễn phí, khuyến mãi khi để lại thông tin)
  • Dòng phụ đề phù hợp, ngắn và rõ ràng sẽ giúp bạn tăng tỷ lệ chuyển đổi cho các form đăng ký này
  • Hình thức đơn giản: Bạn chỉ nên yêu cầu người dùng điền càng ít thông tin cần thiết càng tốt. Nhiều người dùng sẽ từ chối đăng ký nếu như họ thấy phần điền form quá nhiều và rườm rà.
  • Sử dụng các câu văn để kích thích người dùng để đăng ký nhận tin từ bạn (Vd: Đăng ký ngay để nhận được những bài viết mới nhất

Thu hút người dùng điền form

Bạn không thể chỉ gắn form trên web/landing page và chờ đợi người dùng tự vào trang web của bạn và để lại thông tin được. Bạn cần có chiến lược để khách hàng tự nguyện để lại cho bạn các thông tin cần thiết (email, tên, hoặc những thông tin mà bạn cần cho các chiến dịch email được cá nhân hóa).

Một số cách mà bạn có thể sử dụng là đưa ra những ưu đãi khi họ để lại email như là:

  • Nhận tài liệu miễn phí
  • Ưu đãi cho người dùng để lại email
  • Webinar
  • Ebook
  • Sản phẩm thử

Để có thể nhanh chóng thu thập thêm nhiều người dùng, bạn có thể chạy quảng cáo Facebook cho các landing page, website này để có thể thu thêm nhiều email, do Facebook Ads là nền tảng có thể giúp bạn tiếp cận đến nhiều người dùng, khách hàng mới – những người có đặc điểm tương tự với tệp đối tượng hiện tại của bạn.

Bước 2: Phân luồng email

Sau khi người dùng đã đăng ký nhận email của bạn, bạn cần phải chia ra các khách hàng ra theo các phân khúc khác nhau tùy vào nhu cầu và lý do họ đăng ký nhận mail từ bạn.

Với sự phát triển của công nghệ hiện nay, bạn có thể phân khúc các tệp người nhận theo nhiều đặc điểm khác nhau và gửi cho họ các thông điệp phù hợp. Ví dụ như:

  • Những người đăng ký nhận ebook qua Facebook Ads
  • Những người thường xuyên mở mail => Tệp đối tượng trung thành và có thể chuyển đổi thành khách hàng
  • Những người quan tâm đến sản phẩm hay một dịch vụ cụ thể
  • Những khách hàng sống tại Tphcm

Từ những phân khúc này, mà bạn có thể gửi cho người xem những thông điệp được thiết kế riêng cho họ. Những email càng được cá nhân hóa, thì tỉ lệ mở và đọc mail càng cao và từ đó, tăng tỉ lệ chuyển đổi cho những chiến dịch email của bạn.

Bước 3: Phân kế hoạch gửi email phù hợp

Sau khi đã phân khúc người dùng, bạn sẽ có thể lên được các nội dung được thiết kế để phù hợp cho những người này, cũng như tần suất mà bạn gửi các email này mỗi tuần.

Tuy nhiên, tần suất gửi mail còn phụ thuộc vào ngành nghề và tệp khách hàng của bạn, sẽ không có bất cứ công thức chung nào cho việc gửi mail này

Có những tệp cần được gửi mail thường xuyên, như là những người muốn nhận các bảng tin về các bài viết mới nhất trên blog, thì bạn có thể gửi mail cho họ từ 1-2 lần 1 tuần.

Còn những email về các chương trình khuyến mãi, thì bạn không nên gửi quá nhiều lần với tần suất dày đặc, nếu không sẽ gây phiền nhiễu cho các người dùng của bạn. 

Bên cạnh đó, nếu như những email của bạn gửi không được mở quá nhiều lần thì những emai sau sẽ bị đưa thẳng đến mục quảng cáo. Và chắc chắn bạn không hề muốn điều đó xảy ra.

Bước 4: Thiết kế email

email marketing mẫu

Khác với các trang mạng xã hội, người dùng chỉ dành ra khoảng vài phút cho việc xem và check mail. Nên các email của bạn cần phải thu hút các khách hàng của mình ngay từ tiêu đề cho đến nội dung và hình ảnh trong email.

Hiện nay có nhiều công cụ giúp bạn thiết kế các mẫu email có hình ảnh và nội dung bắt mắt, bạn có thể sử dụng những công cụ này để tạo ra một mẫu email dành riêng cho doanh nghiệp của bạn.

Điều này không chỉ khiến khách hàng đọc email của bạn mà còn giúp tăng nhận diện thương hiệu cho bạn, nếu như bạn sử dụng 1 khuôn mẫu chung cho các email của mình (logo, màu sắc, .. )

Bước 5: Lên chiến dịch gửi email marketing

Sau khi đã phân khúc người nhận và luồng email cho từng tệp tương ứng, bạn sẽ bắt đầu lên các chiến dịch email cho doanh nghiệp mình.

Có nhiều loại chiến dịch khác nhau, bạn cần phải có mục tiêu rõ ràng trước khi bắt đầu gửi mail. Một số ví dụ:

  • Mail onboarding: Chiến dịch email dành cho những người mới đăng ký
  • Mail quảng cáo: Các thông điệp thương mại (catalogue, chương trình khuyến mãi) được gửi để giúp tăng doanh số bán hàng
  • Mail bản tin: cập những những bài viết hoặc thông báo mới của doanh nghiệp, giúp tăng nhận diện thương hiệu cho doanh nghiệp

Bước 6: Thu thập dữ liệu sau mỗi lần gửi mail để tối ưu cho các chiến dich sau

Sau khi bạn gửi mail, bạn sẽ thu về được những dữ liệu có thể giúp bạn cải thiện cho những chiến dịch sau được hiệu quả hơn. Một số chỉ số mà bạn cần quan tâm:

  • Tỉ lệ mở email/gửi: Tiêu đề của bạn có đang hấp dẫn người dùng, bạn có bị gắn tag là spam mail hay quảng cáo hay không?
  • Tỉ lệ click/đọc mail: Nội dung email có hấp dẫn không? CTA trong bài viết có hiệu quả không? Có nên thay đổi bố cục bài viết không? Có nên thêm CTA hay không?
  • Người dùng thường đọc những email nào?
  • Những loại email nào mang lại chuyển đổi nhiều nhất?
  • Các thiết bị nào thường được dùng để mở mail => Thiết kế giao diện để phù hợp với phần lớn tệp mở mail.

Làm email marketing khó hay dễ?

Phần việc khó nhất của email marketing thường nằm ở phần thu thập email, bạn có thể tham khảo các cách thu thập email hiệu quả như A1 đã gợi ý ở trên, để xây dựng các danh sách email chất lượng và phù hợp với doanh nghiệp của bạn.

Với sự phát triển của các công cụ gửi email tự động, công việc sau đó của bạn sẽ trở nên vô cùng dễ dàng. Các công cụ này sẽ hỗ trợ bạn tối đa trong các quy trình từ gửi đến thu thập các dữ liệu để phân tích và tối ưu.

Một số công cụ mà bạn có thể sử dụng: Mailchimp, Mautic, SendinBlue, Convertkit, v.v

Top 6 ngành nghề cần áp dụng email marketing?

Có một số ngành nghề sẽ phù hợp nhất với việc triển khai các hoạt động email marketing, do tệp người nhận của các doanh nghiệp này là những người thường xuyên sử dụng email.

Những người làm marketing, quảng cáo

Những người này thường xuyên phải check mail công việc và thường xuyên cập nhật những gì liên quan đến ngành nghề của mình (các xu hướng mới, thay đổi, hay biến động trong thị trường).

Họ thường xuyên đọc mail, nhưng bạn cũng cần phải đầu tư cho các email của mình, do là họ cũng thường xuyên đánh giá các giá trị trong email của bạn.

Bất động sản

Bất động sản là lĩnh vực có giá trị cao, những người làm trong ngành nghề này là những người tri thức, ngân sách lớn, công việc tốt và thu nhập ổn định. Đây là nhóm người sử dụng email thường xuyên vì tính chất công việc.

Tài chính

Những người làm trong lĩnh vực Tài chính quan tâm rất nhiều đến các biến động, xu hướng trong xã hội, cũng như những gì về quản trị tài chính, gửi tiết kiệm với những ưu đãi hấp dẫn hay có chương trình đặc biệt.

Bạn có thể dựa vào đây để đưa ra những email về những chủ đề này đến những tệp người nhận làm việc hay quan tâm đến chủ đề này.

Bảo hiểm

Bảo hiểm cũng là lĩnh vực có giá trị cực kỳ cao, với rất nhiều hình thức đa dạng. Để mang lại hiệu quả cho các chiến dịch marketing, cách tiếp cận với khách hàng này cần phải diễn ra dài hạn, và email marketing đang là một kênh vô cùng hợp lý để bạn có thể tiếp cận và nuôi dưỡng các người nhận trong thời gian dài.

Bạn cần gửi đến những người nhận này nhiều thông tin, nhiều vấn đề hữu ích xoay quanh việc nhận thức giá trị của các sản phẩm/dịch vụ của bạn (tầm quan trọng của các gói bảo hiểm, v.v)

Du học sau đại học

Đây là đối tượng tri thức cao và sử dụng email thường xuyên. Bạn có thể dễ dàng tiếp cận đến họ và gắn kết họ qua email về chia sẻ kinh nghiệm du học, đăng ký học bổng,…

Giáo dục trực tuyến

Hiện nay hình thức giáo dục này khá phổ biến như không chỉ các khóa học tiếng anh, tiếng nhật, mà cả các khóa học về marketing, tin học văn phòng cũng được quảng cáo qua email Marketing ngày càng rầm rộ.

Những email về giáo dục này được gửi đi hàng loạt như là spam email vậy. Chính vì vậy nên, giữa một môi trường cạnh tranh như thế, bạn cần viết nội dung email có điểm nhấn ngay từ tiêu đề, cũng như có sự đầu tư kỹ lưỡng để không khiến doanh nghiệp của mình nổi bật lên trong mắt các khách hàng.

Kết luận,

A1 mong là bài viết này giúp cho bạn hiểu đúng và đủ email marketing là gì, cũng như cách để áp dụng email marketing hiệu quả nhất vào doanh nghiệp của bạn.

Chúc các bạn thành công!

Author: Hiền Phạm – Digital Marketer (A1 Digihub)

Mình là Đinh Thị Minh Thúy (ArianaDinh), hiện đang là Content Management & đảm nhiệm vị trí SEO của A1Digihub. Tất cả bài viết Blog được chúng mình biên soạn đều xoay quanh chủ đề 'phân tích số liệu trong Marketing'. Ngoài những kiến thức cơ bản thì Blog A1 cũng có chia sẻ các case thực tế đến từ CEO và các nhà quản lý đã ứng dụng Marketing Analytics như thế nào trong thời đại số. Thúy thay mặt team A1 cảm ơn bạn đọc đã luôn ủng hộ chúng mình & hy vọng sẽ giúp ích cho bạn đọc thật nhiều.